Skip to main content

Tổng quan

hoabinh

 

1. Tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của xã
- Vị trí địa lý: Hoà Bình là 01 trong 18 xã, thị trấn của huyện cù lao Chợ Mới, cách trung tâm huyện 25 km. 
+ Phía Đông giáp xã Hoà An và xã Hội An; 
+ Phía Tây giáp Thành Phố Long Xuyên; 
+ Phía Nam giáp xã Mỹ Hòa Hưng (cách sông Hậu); 
+ Phía Bắc giáp xã An Thạnh Trung. 
- Điều kiện kinh tế - xã hội
Xã Hòa Bình có tổng diện tích tự nhiên là 2.225,7 ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 1.569 ha. Toàn xã có 06 ấp, với 4.963 hộ, 19.406 nhân khẩu (thống kê đến ngày 29/09/2022), là xã có dân số đông, lực lượng lao động trẻ. Xã có dòng sông Hậu chảy qua, cùng với nhiều hệ thống kênh rạch đã làm vùng đất trở nên trù phú, bồi đắp thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Hệ thống đê bao khép kín của xã đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư trong mùa lũ, có hiệu quả góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Cập tuyến sông Hậu có Cồn An Thạnh tiếp giáp thành phố Long Xuyên dài 3km có lợi thế để phát triển cụm Công nghiệp 75ha.
Về lĩnh vực nông nghiệp: Tổng diện tích gieo trồng hằng năm của xã là 3.593 ha, trong đó: diện tích gieo trồng lúa 2.676 ha, năng suất trung bình vụ ước đạt 18,8 tấn/ha; diện tích màu 917 ha; thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện, từ năm 2014 đến nay, địa phương đã có 153,5 ha đất chuyển dịch từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang diện tích trồng cây màu và cây ăn trái. Toàn xã có 327 con heo, 246 con bò, gia cầm 1.070 con gà, 2.840 con vịt, 16 nhà nuôi yến, và 61 hộ nuôi thủy sản với tổng diện tích 23,6 ha. Là xã nông nghiệp nên địa phương luôn quan tâm đẩy mạnh, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là việc tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết, Quyết định về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các kế hoạch và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao của Huyện ủy, UBND huyện. Từ đó, giá trị sản xuất/ha đất không ngừng tăng, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Theo kết quả khảo sát, điều tra của Chi cục Thống kê huyện năm 2022, giá trị sản xuất bình quân cây lúa đạt 123,49 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất bình quân cây màu đạt 464,21 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất bình quân thủy sản nuôi trừ cá bè đạt 4.942,61 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất bình quân 1 ha cây lâu năm đạt 193,44 triệu đồng/ha, 
Về lĩnh vực th¬ương mại - dịch vụ, công nghiệp, TTCN, ngành nghề nông thôn: Hoạt động thương mại, dịch vụ khá ổn định, hàng hóa phong phú. Trên địa bàn xã có 03 chợ đáp ứng nhu cầu của người dân trong xã, có 933 cơ sở sản xuất, một làng nghề Chầm nón lá được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận có 348 hộ, 1.077 lao động. Hoạt động làng nghề được quan tâm thường xuyên và triển khai thực hiện Đề án bảo vệ môi trường làng nghề chầm nón lá.
Đa số người dân sống bằng nghề nông nghiệp (chiếm tỉ lệ 80%), còn lại sống bằng nghề dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp và du lịch. Trên địa bàn xã có 02 HTX, 08 THT và 01 làng nghề chầm nón lá. Các cơ sở kinh tế tư nhân hoạt động ổn định, có hiệu quả góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Xã Hoà Bình giáp xã Hoà An, Hội An; Thành Phố Long Xuyên và có đường Tỉnh lộ 946 chạy qua đã giúp khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của xã, từ đó xã đã có những bước “chuyển mình” quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị  kinh tế, văn hóa xã hội. 
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã các năm qua luôn được giữ vững, đặc biệt không có tệ nạn xã hội nghiêm trọng, các tổ an ninh nhân dân được giữ vững và duy trì thực hiện tốt. 
2. Thuận lợi
Hòa Bình có lợi thế về vị trí địa lý do có tuyến giao thông đường tỉnh 946, 944 giúp liên kết với tỉnh Đồng Tháp cũng như thành phố Long Xuyên và các đường giao thông giúp gia tăng liên kết với các xã lân cận. Lợi thế quan trọng này giúp xã có thể phát triển tốt cả thương mại – dịch vụ, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và cả sản xuất nông nghiệp. 
Về Công nghiệp do xã có Cồn An Thạnh tiếp giáp thành phố Long Xuyên có lợi thế để phát triển cụm Công nghiệp 75ha, đây là động lực lớn góp phần phát triển kinh tế xã, giúp ổn định đời sống dân cư, hạn chế tình trạng di cư của người dân. 
Về nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, nhờ có hệ thống đê bao kiểm soát lũ, giao thông thủy lợi nội đồng từng bước được cải tạo hợp lý, các công trình kiểm soát lũ dự án Nam Vàm Nao phát huy hiệu quả, từ đó đã tạo được niềm tin để nhân dân mạnh dạn đầu tư sản xuất lâu dài với đa chủng loại cây trồng.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của xã, nhất là về y tế, giáo dục, văn hóa,… đã được đầu tư một bước và sẽ tiếp tục được đầu tư nhằm khai thác các tiềm năng kinh tế của xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế góp phần nâng cao chất lượng đời sống xã hội của người dân.
3. Khó khăn
Nằm giữa các khu kinh tế động lực có tốc độ phát triển cao, có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư hấp dẫn như Thành phố Long Xuyên... là những thách thức đòi hỏi xã Hòa Bình phải có những chính sách đặc biệt nhằm thu hút vốn đầu tư và nhân lực để phát triển.
Lực lượng lao động tuy dồi dào nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, vẫn còn số lượng lớn lao động phổ thông trong khu vực nông nghiệp, việc thu hút nguồn lao động này sang các ngành phi nông nghiệp còn hạn chế. Vấn đề giải quyết việc làm còn khó khăn, cần tổ chức đào tạo nghề cho công nhân vào làm việc trong các khu công nghiệp và tổ chức các lớp dạy nghề nhằm nâng cao kỹ thuật cho người lao động.
Biến đổi khí hậu toàn cầu gây ảnh hưởng như: thời tiết diễn biến phức tạp, mưa, bão thất thường, giông, lốc mạnh kèm theo lốc, sét, gió giật mạnh, sạt lở, ngập lụt… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và sản xuất. Tình hình dịch bệnh trong ngành nông nghiệp diễn biến phức tạp gây khó khăn cho quá trình sản xuất nông nghiệp. Giá cả các mặt hàng nông sản, thủy sản, chăn nuôi thiếu ổn định, thị trường đầu ra đôi lúc gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc đầu tư cho sản xuất. Diện tích sản xuất nông nghiệp còn manh mún nên việc vận động nông dân và thực hiện ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp khó khăn và chưa nhiều.